GIÁO DỤC HÒA NHẬP LÀ GÌ?

Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục, trong đó trẻ em khuyết tật học cùng với trẻ bình thường trong trường phổ thông ngay tại nơi các em sinh sống.
Bản chất của giáo dục hòa nhập:
Giáo dục cho mọi đối tượng học sinh, không có sự tách biệt, phân biệt về màu da và văn hóa chính là hòa nhập. Ở đây các em đều được tôn trọng và bình đẳng như nhau về cuộc sống lẫn học tập. Đây là yếu tố đầu tiên và tư tưởng chính thể hiện bản chất của giáo dục hòa nhập.
Giáo dục hoà nhập là phương thức giáo dục mang tính nhân văn. Mô hình này làm cho mọi trẻ em đi học đều vui, đều thấy rõ trách nhiệm của mình. Nó cũng làm cho người lớn gần gũi nhau hơn, có cơ hội hợp tác với nhau. Những đặc điểm cơ bản của giáo dục hoà nhập là:
– Giáo dục cho mọi đối tượng trẻ. Đây là tư tưởng chủ đạo, yếu tố đầu tiên, thể hiện bản chất của giáo dục hoà nhập. Trong giáo dục hoà nhập, quan điểm không loại trừ và tôn trọng mọi giá trị được đề cao. Mọi trẻ đều được tôn trọng và đều có giá trị như nhau. Với hình thức giáo dục hoà nhập thì các trường học phải tiếp nhận tất cả các trẻ em mà không phân biệt điều kiện thể chất, trí tuệ, xã hội, tình cảm ngôn ngữ hay bất kì điều kiện nào khác của các em. Điều này áp dụng cho tất cả trẻ em khuyết tật cho dù các em sinh sống ở đâu, ở thành phố, đồng bằng, ở các vùng xa xôi hẻo lánh hay thuộc nhóm dân du canh du cư, trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số về ngôn ngữ, sắc tộc hay văn hoá, trẻ em thuộc các nhóm bị thiệt thòi khác.
– Học ở trường nơi trẻ sinh sống. Đặc điểm này xuất phát từ quan điểm tiếp cận bình thường hoá. Trẻ khuyết tật cũng như những trẻ em khác có những khả năng và nhu cầu của riêng mình. Do vậy, trong giáo dục hoà nhập, không nên coi khiếm khuyết là sự “bất thường”, đó là sự đa dạng tất yếu và rất bình thường. Cần đối xử với trẻ một cách bình thường, không nên quá nhấn mạnh hay chú trọng đến khiếm khuyết của trẻ. Trẻ khuyết tật cần được học chung một chương trình, với phương pháp dạy học phù hợp của giáo viên.

– Mọi trẻ đều được hưởng cùng một chương trình giáo dục, nhưng được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu và khả năng của trẻ khuyết tật. Điều này, vừa thể hiện sự bình đẳng trong giáo dục vừa thể hiện sự tôn trọng. Giáo dục hoà nhập không đánh đồng mọi trẻ em như nhau. Mỗi trẻ là một cá nhân, một nhân cách, có năng lực khác nhau, cách học khác nhau, tốc độ học không như nhau. Vì thế, điều chỉnh chương trình cho phù hợp với từng trẻ là cần thiết.
– Dạy học một cách sáng tạo, tích cực và hợp tác. Phương pháp dạy học phải có hiệu quả và đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của trẻ em.
Tính tất yếu của giáo dục hoà nhập:
Giáo dục hoà nhập là một xu thế, một sự tất yếu của thời đại. Hội nghị do UNESCO tổ chức về giáo dục cho trẻ khuyết tật ở Agra, Ấn Độ (tháng 3/1998) đã khẳng định xu hướng giáo dục hoà nhập cho mọi trẻ em. Những nội dung sau đây sẽ lí giải tại sao phải tiến hành giáo dục hoà nhập cho mọi trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật:
Đáp ứng mục tiêu giáo dục: UNESCO đề ra 4 trụ cột của việc học như sau:
Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình. Trong giáo dục hoà nhập, cả bốn mục tiêu trên cần đạt được, mỗi trẻ là một thành viên chính thức của cộng đồng.

Thay đổi quan điểm giáo dục: Trước đây, người ta quan niệm cần phải phân loại trẻ em càng kĩ càng tốt. Bằng thang đo trí lực cho biết chỉ số trí tuệ (IQ), trẻ em đã được chẩn đoán để có thể phát hiện ra các tài năng sớm và những trẻ có khó khăn đặc biệt trong sự phát triển. Những trẻ em sau khi đã được phân loại cần được dạy theo một chương trình riêng, một phương pháp riêng. Người ta cho rằng cách đào tạo này sẽ có hiệu quả hơn. Thực tế đã chỉ ra rằng, trẻ em được học kiểu này không phát triển hết các khả năng của mình, thậm chí còn bị lệch lạc trong phát triển. Xu thế giáo dục đa trình độ, đa phương pháp và phát huy tính tích cực, độc lập học tập hay sự tham gia tích cực của trẻ em đã trở nên phổ biến. Trong giáo dục hoà nhập, trẻ khuyết tật được học trong môi trường bình thường, và hoà nhập với cộng đồng. Điều này tạo ra môi trường giáo dục thân thiện cho các em. Giáo dục hoà nhập giúp thay đổi nhận thức và kĩ năng thực hành của giáo viên theo quan điểm dạy học dựa vào khả năng, nhu cầu và sở thích của trẻ em, phù hợp với quan điểm đổi mới phương pháp dạy học và chương trình mới – dạy học tập trung vào người học.
• Tính hiệu quả:
Được giáo dục trong môi trường hoà nhập, trẻ có những dạng khó khăn khác nhau đều tiến bộ hơn, các tiềm năng của trẻ được khơi dậy và phát triển tốt hơn so với cách giáo dục trong môi trường khác. Các em được học cùng một chương trình với các bạn bè khác. Chương trình và phương pháp sẽ được điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp với năng lực và nhu cầu của các em. Dạy học như vậy sẽ đưa đến kết quả cao,các em được phát triển hết khả năng của mình. Giáo dục hoà nhập coi trọng sự cân đối giữa kiến thức và kĩ năng xã hội. Môi trường giáo dục thay đổi, các em được tự do giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau,phát triển toàn diện hơn và thích ứng tốt hơn với môi trường xã hội. Là mô hình giáo dục đáp ứng nhu cầu và quyền được học tập cho tất cả trẻ em. Giáo dục hoà nhập có cơ sở lí luận vững chắc về đánh giá con người, về mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng và các giải pháp trong tổ chức cũng như trong tiến hành giáo dục.
• Tính pháp lí:
Vấn đề bình đẳng trong cơ hội học tập và nhiều quyền khác đã được nêu trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (Điều 18, 23), Công ước về Giáo dục cho mọi người, Tuyên ngôn về giáo dục đặc biệt Salamanca (Tây Ban Nha, 1994). Ở Việt Nam, quyền được giáo dục của tất cả trẻ em, không loại trừ trẻ khuyết tật được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, Luật Bảo vệ và Chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật Người khuyết tật, văn bản quy định của ngành Giáo dục (Quyết định số 23/2006/QĐ–BGDĐT ngày 22/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Như vậy, ngày nay, thực hiện giáo dục hoà nhập là thực hiện các công ước, luật quốc tế mà Việt Nam tham gia, thực hiện luật và các quy định của ngành Giáo dục nước ta.
• Tính kinh tế: Mô hình giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật là mô hình có hiệu quả kinh tế, chi phí đỡ tốn kém, giúp cho nhiều trẻ khuyết tật được đi học.
Huy động nhiều lực lượng tham gia Giáo dục hoà nhập sẽ tạo ra cơ hội và môi trường để các lực lượng tham gia giáo dục, có điều kiện hợp tác với nhau vì mục tiêu chung. Đây cũng là môi trường mà mọi người trong cộng đồng có dịp tiếp cận với trẻ khuyết tật nhiều hơn, thấy rõ hơn những nhu cầu, tiềm năng của các em, thấy những điều cần phải làm để hỗ trợ các em được nhiều hơn. Càng có nhiều người hiểu và hỗ trợ thì các em càng có nhiều điều kiện để tiến bộ vượt bậc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *