PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC LỚP HỌC HÒA NHẬP

Khi nói về phương pháp dạy học tích cực trong lớp hòa nhập là nói đến cách dạy học, mà ở đó giáo viên sẽ là người khơi gợi, truyền đạt nội dung gợi mở các vấn đề để người học sinh cùng tham gia bàn luận và đưa ra ý kiến của mình. Tìm ra được điểm mấu chốt cũng như những vấn đề liên quan. Phương pháp này lấy sự chủ động tìm tòi và tư duy của người học để làm nền tảng, giáo viên chỉ là người dẫn dắt gọi mở vấn đề cho người học.

Để sử dụng hiệu quả phương pháp giáo dục tích cực trong lớp hòa nhập giáo viên cần xác định đúng dạng tật và những khó khăn mà trẻ đang gặp phải để lựa chọn phương pháp phù hợp. Giáo viên cần phối hợp điều chỉnh đa dạng các phương pháp giáo dục tích cực trong lớp hòa nhập để bổ trợ lẫn nhau và tăng hiệu quả cao nhất khi sử dụng phương pháp.

Các phương pháp dạy học tích cực trong lớp học hòa nhập bao gồm:

– Phương pháp làm việc nhóm

– Phương pháp giải quyết vấn đề

– Phương pháp đóng vai

– Phương pháp trò chơi

– Phương pháp khám phá

– Phương pháp trải nghiệm

– Phương pháp hoạt động não

– Phương pháp dạy học theo dự án

  1. Phương pháp làm việc nhóm

Dạy học nhóm nếu được tổ chức tốt sẽ phát huy được tính tích cực, tính trách nhiệm; phát triển năng lực cộng tác làm việc và năng lực giao tiếp của trẻ. Hình thức trình bày có thể thực hiện theo cách: vẽ, hát, đóng kịch…

Tiến trình dạy học nhóm có thể được chia thành 3 giai đoạn cơ bản:

a. Làm việc toàn lớp:

Nhập đề và giao nhiệm vụ

Giới thiệu chủ đề

Xác định nhiệm vụ các nhóm

Thành lập nhóm

b. Làm việc nhóm

Chuẩn bị chỗ làm việc

Lập kế hoạch làm việc

Thoả thuận quy tắc làm việc

Tiến hành giải quyết các nhiệm vụ

Chuẩn bị báo cáo kết quả.

c. Làm việc toàn lớp:

Trình bày kết quả, đánh giá

Các nhóm trình bày kết quả

Đánh giá kết quả.

* Một số lưu ý

Có rất nhiều cách để thành lập nhóm theo các tiêu chí khác nhau, không nên áp dụng một tiêu chí duy nhất trong cả năm học.

Số lượng trẻ/1 nhóm nên từ 4- 6 trẻ.

Nhiệm vụ của các nhóm có thể giống nhau, hoặc mỗi nhóm nhận một nhiệm vụ khác nhau, là các phần trong một chủ đề chung.

Dạy học nhóm thường được áp dụng để đi sâu, luyện tập, củng cố một chủ đề đã học hoặc cũng có thể tìm hiểu một chủ đề mới.

Các câu hỏi kiểm tra dùng cho việc chuẩn bị dạy học nhóm:

Chủ đề có hợp với dạy học nhóm không?

Các nhóm làm việc với nhiệm vụ giống hay khác nhau?

Trẻ đã có đủ kiến thức điều kiện cho công việc nhóm chưa?

Cần trình bày nhiệm vụ làm việc nhóm như thế nào?

Cần chia nhóm theo tiêu chí nào?

Cần tổ chức phòng làm việc, kê bàn ghế như thế nào?

* Các kỹ thuật chia nhóm:

Khi tổ chức cho trẻ hoạt động theo nhóm, giáo viên nên sử dụng nhiều cách chia nhóm khác nhau để gây hứng thú cho trẻ, đồng thời tạo cơ hội cho các em được học hỏi, giao lưu với nhiều bạn khác nhau trong lớp. Dưới đây là một số cách chia nhóm:

a/ Chia nhóm theo số điểm danh, theo các màu sắc, theo các loài hoa, các mùa trong năm,…: giáo viên yêu cầu trẻ điểm danh từ 1 đến 4/5/6…(tùy theo số nhóm giáo viên muốn có là 4,5 hay 6 nhóm,…); hoặc điểm danh theo các màu (xanh, đỏ, tím, vàng,…); hoặc điểm danh theo các loài hoa (hồng, lan, huệ, cúc,…); hay điểm danh theo các mùa (xuân, hạ, thu, đông,…) Yêu cầu các trẻ có cùng một số điểm danh hoặc cùng một mầu/cùng một loài hoa/cùng một mùa sẽ vào cùng một nhóm.

b/ Chia nhóm theo hình ghép: giáo viên cắt một số bức hình ra thành 3/4/5… mảnh khác nhau, tùy theo số trẻ muốn có là 3/4/5… trẻ trong mỗi nhóm. Lưu ý là số bức hình cần tương ứng với số nhóm mà giáo viên muốn có. Trẻ bốc ngẫu nhiên mỗi em một mảnh cắt. Trẻ phải tìm các bạn có các mảnh cắt phù hợp để ghép lại thành một tấm hình hoàn chỉnh. Những Trẻ có mảnh cắt của cùng một bức hình sẽ tạo thành một nhóm.

c/ Chia nhóm theo sở thích giáo viên có thể chia trẻ thành các nhóm có cùng sở thích để các em có thể cùng thực hiện một công việc yêu thích hoặc biểu đạt kết quả công việc của nhóm dưới các hình thức phù hợp với sở trường của các em.

Ví dụ: Nhóm Họa sĩ, Nhóm Nhà thơ, Nhóm Hùng biện,…

d/ Chia nhóm theo tháng sinh:

Các trẻ có cùng tháng sinh sẽ làm thành một nhóm. Ngoài ra còn có nhiều cách chia nhóm khác như: nhóm cùng trình độ, nhóm hỗn hợp, nhóm theo giới tính,….

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *